Tìm kiếm Blog này

Những con thiêu thân trong làng báo hải ngoại - DLHTN

NHỮNG CON THIÊU THÂN
TRONG LÀNG BÁO VIỆT HẢI NGOẠI
                
Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất

      Việt Nam ta từ ngày có nạn giặc cờ đỏ tung hoành trên đất nước, luôn luôn có những loài thiêu thân tự nguyện đâm đầu vào đống lửa (CS) để tự đốt cháy mình và đốt cháy luôn cả quê hương. Tôi xin nói về những con thiêu thân trong làng báo, và trước hết là những con thuộc mấy tờ báo của cái gọi là Lực-Lượng-Thứ-3 tại miền Nam (VNCH) trước đây.

     Hiệp Định Paris 1973 như ta thấy chẳng giải quyết được vấn đề gì. Trái lại chiến tranh vẫn tiếp diễn và càng ngày càng khốc liệt hơn. Một mặt Hoa Kỳ rút ra, không những quân đội, mà còn quân trang, quân dụng và yểm trợ. Mặt khác, mức độ xâm nhập người và vũ khí của CS miền Bắc đổ vào miền Nam tăng theo tỷ lệ nghịch. Vấn đề miền Nam rơi vào tình trạng bế tắc và bất lợi trông thấy. Trước tình hình đó, một nhóm người gọi là Lực Lượng Thứ 3 do CS dấu mặt nặn ra để làm ung thối miền Nam cũng ráo riết gia tăng hoạt động. Họ đa số là những người trẻ xông xáo muốn làm công việc đội đá vá trời là khai sáng con đường để giải quyết vấn đề chiến tranh. Con đường đó là con đường bắt tay với bọn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam dưới chiêu bài hòa hợp hòa giải dân tộc. Một số những bộ mặt nổi năng nổ nhất nằm trong các tờ báo Tin Sáng, Điện Tín, và Đại Dân Tộc như Lý Qúy Chung, Ngô Công Đức, Nguyễn Văn Binh, Kiều Mộng Thu v.v. Đám này nhân danh quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của miền Nam để tung hoành lũng đoạn. Nhờ bọn người này, cộng sản miền Bắc mới thôn tính được miền Nam một cách nhanh chóng và dễ dàng như đã thấy.

     Khi CS xích hóa được miền Nam rồi, bọn này được gì? Điều mơ ước của họ như khoe mẽ là một mền Nam độc lập (khỏi ảnh hưởng Mỹ) và trung lập. Nhưng độc lập chẳng thấy. Trung lập cũng không. Một chế độ CS Stalinist duy nhất phủ chụp lên toàn đất nước sau đó. Số phận của những con thiêu thân báo chí cũng chết theo cùng với mảnh đất miền Nam. Kẻ thì chạy mối vỉa hè hoặc xoay nghề buôn lậu kiếm sống. Người thì lột xác trở thành bút nô cho chế độ. Có kẻ vỡ mộng nên tìm đường vượt biên trở thành người tỵ nạn bất đắc dĩ. Số phận các tờ báo của bọn này tất nhiên cũng đều cùng chung số phận.

     Lịch sử xem chừng lại tái diễn trong cộng đồng người Việt tỵ nạn trên đất Mỹ. 32 năm rồi, nhiều người cảm thấy là một thời gian quá dài. Cuộc chống cộng bị coi như công dã tràng. Không thiếu cá nhân và đoàn thể đang loay hoay tìm cách khai thông con đường cứu nước. Họ cho rằng chống cộng là một lối mòn vô hiệu quả. Rốt cuộc người ta thấy rất rõ con đường mà họ đang lăm le bước vào thì cũng lại là con đường của nhóm Thành Phần Thứ 3 trước kia tại Miền Nam mà thôi. Nghĩa là con đường đầu hàng CS. Trong làng báo và truyền thông, một số mới liệng hòn đó dò đường bằng những bài báo nửa nạc nửa mỡ chứ chưa dám công khai chối bỏ thân phận tỵ nạn CS của mình. Nhưng mới đây tờ tuần báo VietWeekly tại miền nam Cali đã công khai xé rào tính chuyện lớn. So với nhóm Tin Sáng, Điện Tín, và Đại Dân Tộc trước kia, VietWeekly có rất nhiều điểm kể là tương đồng. Cả hai đều gồm những thành phần trẻ năng động và có căn bản học vấn. Cả hai đều cho mình là những tiên phong đứng ra mở đường khai lối cho bế tắc của thời cuộc. Cả hai cùng tự xác nhận căn cước (identification) không phải là CS, cũng không thân cộng. Nhưng lối làm truyền thông của họ lại để lòi cái đuôi con chồn, chẳng khác gì tự mình hô lên “lậy ông tôi ở bụi này”, chứ chẳng ai vu vạ đổ oan. Cả hai đều trương bảng hiệu tự do ngôn luận, tự do báo chí khi hành động. Dư luận tin chắc cả hai nếu thật sự thành tâm thì đúng là họ chẳng hiểu CS, nhất là CSVN là cái gì. Từ nhược điểm này, nhóm truyền thông của Thành Phần Thứ 3 đã không ngờ tự biến thành công cụ của CS. Điều hết sức đau đớn xẩy đến cho họ là những mơ ước ngây thơ của họ đã chết tức khắc và tức tưởi ngay sau khi CS chiếm đoạt được miền Nam. Không một lời điếu. Không một vòng hoa. Không một người thân đưa tiễn. Hoàn toàn im lặng. Chó chết hết chuyện. Các người trẻ của tờ Viet Weekly không biết có nhìn ra được điểm này không?
    
     Thú thực tôi chưa bao giờ đọc tờ Viet Weekly. Tôi chỉ chú ý tới tờ báo này sau khi có cuộc họp báo của một số nhân vật dưới nam Cali tố cáo VietWeekly thân cộng, bôi xấu chế độ VNCH, cổ võ khủng bố v.v. Rất may một hôm cuối tuần đi ăn sáng với bạn bè, tôi lượm được một số báo VietWeekly nên mới có dịp để đọc nó. Trong số này hầu như các bài vở đều tập trung vào việc phản biện các điều tố cáo kia, đồng thời gián tiếp nêu lên chủ trương, đường lối của tờ báo đối với độc giả. Nhờ đó tôi mới có thể có được một nhận xét khái quát về tờ báo này.

     Luận điểm của VietWeekly đưa ra để tự biện hộ là chủ trương tự do ngôn luận, thông tin hai chiều (Lê Vũ: Chúng tôi chủ trương tự do ngôn luận). Phương pháp VietWeekly áp dụng để tìm ra giải pháp cho vấn đề của đất nước hiện nay là đối thoại (Đông Duy: Điều chính yếu là sự đối thoại. Chính trong đối thoại rốt ráo người ta sẽ tìm ra được một giải pháp đứng đắn). Và quan trọng hơn hết, niềm tin hỗ tương của hai bên đối thoại, tức VietWeekly và nhà cầm quyền CSVN là cần thiết (Đông Duy: Mặt khác là những tia hy vọng đầu tiên qua sự bầy tỏ thiện chí của phía bên kia như trong lời tuyên bố mới đây nhất của chủ tịch nhà nước Nguyễn Minh Triết với báo chí Đức “Chúng tôi đã làm hòa với dĩ vãng”. Đây là một câu nói mà người ta chờ đợi từ hơn nửa thế kỷ qua ….). Tôi xin khái quát đi vào 3 điểm trên.  

     Trước hết về vấn đề đối thoại. Trên mục Thư Tòa Soạn của số báo tôi có trong tay, Viet Weekly viết: Chuyến đi của ông Triết đánh dấu sự sẵn sàng tiếp cận, đối chất, tranh luận với những vấn đề nhậy cảm của phía cộng đồng hải ngoại đưa ra. Có thể coi đó là một tiến bộ chung.

    Đối thoại. Đối thoại. Nếu cứ nói khơi khơi không chừng sẽ lại là việc nói chuyện với đầu gối. Trong các vấn đề xung khắc giữa con người với con người, chủ trương đối thoại là điều tốt. Nhưng chuyện gì cũng phải có cái lý của nó. Cần thiết phải biết đối thoại là gì, đối thoại với ai, đối thoại về vấn đề gì, và nhất là đối thoại trên tinh thần nào. Người bình dân hiểu một cách nôm na, chữ đối thoại (dialog) là nói chuyện giữa hai người hoặc hai bên.  Mục đích cuả đối thoại là tìm ra một chân lý đồng thuận. Cuộc đối thoại phải dựa trên tinh thần hiểu biết, bao dung, tương kính, và tôn trọng lẫn nhau. Nếu không dựa trên tinh thần đó thì đối thoại không thể gọi là đối thoại thực sư. Căn cứ  vào các tiêu chuẩn trên về đối thoại, chúng ta có thể khẳng định VC không hề biết đối thoại là gì.  Trong mỗi kỳ họp đại hội đảng, VC luôn kêu gọi người dân đóng góp ý kiến. Dân chúng đóng góp ý kiến rất nhiều và là những ý kiến xây dựng cho CS. Đó là một hình thức đối thoại. Nhưng có bao giờ CS lắng nghe những ý kiến đó đâu. VC đã không nghe ý kiến của người dân trong nước thì dễ gì chúng lắng nghe người tỵ nạn chúng ta? Nếu CS muốn đối thoại với với tập thể tỵ nạn chúng ta thì tại sao chúng áp lực các chính phủ Indonesia và Mã Lai đập phá các bia tưởng niện thuyền nhân? Tại sao trong khi VC đập phá các bia tưởng niệm thuyền nhân, chúng lại hứa hẹn cho một số người tỵ nạn trùng tu nghĩa trang QĐ Biên Hòa? Giả sử nếu tập thể chiến sĩ QLVNCH đứng ra nêu yêu cầu đó, liệu VC có sẵn sàng chấp nhận không? Tôi tin rằng còn khuya. Những đòn phép kiểu đó trong nghề làm chính trị chỉ là những cái mồi câu để nhử những con cá đói ăn và khờ dại. Những người trẻ đầy bầu nhiệt huyết của Viet Weekly có bao giờ thắc mắc để tìm hiểu những lắt léo trong các vấn đề đại loại như thế không?

    Nguyễn Minh Triết sang Mỹ tiếp xúc với những cộng đồng người Việt nào để đối chất, tranh luận về nhữngvấn đề nhậy cảm mà gọi là một tiến bộ chung. Tin túc cho biết Triết chỉ gặp một người Việt tại Mỹ là bà Bs Quỳnh Kiều, và hình như có cà Nguyễn Cao Kỳ nữa?  Mà Quỳnh Kiều và Cao Kỳ là ai thì người Việt tỵ nạn hẳn đều biết rõ. Sự thể cho thấy CS chỉ gặp gỡ nói chuyện với những kẻ đã đầu hàng và phục vụ cho chúng. Một mình Quỳnh Kiều hay có thêm cả Nguyễn Cao Kỳ nữa cũng không thể gọi là cộng đồng người Việt tỵ nạn. Cuộc nói chuyện giữa vài ba người trong tư thế và thân phận của họ như thế, tôi tin rằng chỉ là cuộc trao đổi, mặc cả mối làm ăn giữa các con buôn. Hành động của Triết không thể coi là dấu chỉ của một tiến bộ nào hết. Đối thoại với VC còn khó hơn là lên sao Hỏa. Trong vòng chừng 20 năm nữa có thể con người sẽ đặt chân lên được Hỏa tinh. Nhưng khẳng định một triệu năm sau chúng ta vẫn không thể nào đối thoại sòng phẳng được với VC. Lý do rất dễ hiểu. Bản chất của con người CS là bản chất của quỉ dữ: lưu manh, lừa lọc, phản trắc và cực kỳ ngoan cố ….  Còn chúng ta dù sao cũng còn là những con người nhân chi sơ tính bản thiện.

     Hơn nữa, việc xây dựng được một niềm tin đối với CS trong việc đối thoại hoàn toàn là điều không tưởng. Thực tế và lịch sử VN đã chứng minh. Những Hiệp Ước và cam kết quốc tế mà VC còn dám xé giục thùng rác, những lời hứa nhăng hứa cuộc của chúng lại đáng tin sao. Thật là vô lý. Chỉ cần ôn lại một chút lịch sử chúng ta sẽ thấy ngay đó là một điều không tưởng. Năm 1946, một chính phủ liên hiệp mới thành hình chưa kịp đi vào sinh hoạt ổn định thì CS đã tiên hạ thủ vi cường các đảng phái quốc gia trong chính phủ đó. Năm 1973 Hiệp Định Paris ký chưa ráo mực thì CS Bắc Việt đã ồ ạt xua quân vào miền Nam bởi chúng bết rõ HK rút ra không còn bao giờ trở lại. Mỗi năm tết đến hai bên đều có tuyên bố ngưng chiến, nhưng không năm nào VC không vi phạm lệnh ngưng bắn. Hành động vi phạm trắng trợn, thô bạo, và đẫm máu nhất xẩy ra dịp tết Mậu Thân 1968. Những sĩ quan và viên chức hành chánh VNCH nghe lời phỉnh gạt đi học tập cải tạo 10 ngày, nhưng thực tế là trung bình trên 10 năm. Những trò lừa gạt trắng trợn như thế bảo sao mà còn tin tưởng được nữa! Chỉ bằng vào việc Nguyễn Minh Triết tuyên bố với báo chí Đức “Chúng tôi đã làm hòa với dĩ vãng” mà ViêtWeekly cho rằng CS có thiện chí, đáng tin thì quả thực các người trẻ tuổi này là những người điếc không sợ súng. CS có đáng tin hay không, đưa ra những lý luận hùng biện mấy cũng không bằng nhìn vào tấm gương của những con người thực cả đời đã tin vào CS. Các người trẻ Viet Wekly về trí đã chắc gì bằng những Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường. Về công cán hẳn không thể nào qua mặt được bà Cát Thanh Long, người đàn bà  được CS tôn vinh là bà mẹ kháng chiến. Những người này đều là những nạn nhân của lòng tin của mình vào CS. Với CS chỉ có một chân lý là “thuận ta thì sống, nghịch ta phải chết”. Đó là một chân lý bất biến. Còn chuyện tin hay không tin, với CS đều không phải là vấn đề.

     Nói đến chủ trương tự do ngôn luận của Viet Weekly mà không nói đến Tu Chính Án Số 1 (TCA #1) thì hẳn là một thiếu sót.  

     Người viết còn nhớ rõ. Cách đây khoảng 10 năm khi ông Vũ Bình Nghi đăng bài phỏng vấn lãnh sự CS Nguyễn Xuân Phong trên tờ Thời Báo rồi bị công luận lên án gắt quá, ông bèn đưa TCA#1 ra làm bia đỡ đạn. Ông biện luận rất triết lý như sau: Tự do báo chí là tự do báo chí. Theo Hiến Pháp nước Mỹ, người làm báo có quyền muốn viết gì thì viết, muốn đăng gì thì đăng, vì đó là tự do báo chí.

     Sự thực, theo TCA#1, người làm báo có được hoàn toàn thoải mái trong khi hành nghề như nhiều người nghĩ không? Câu trả lời sẽ không đơn giản. Ta hãy nghe thẩm phán Oliver W. Holmes giải thích bằng một thí dụ dí dỏm nhưng rất hàm xúc như sau: Việc đảm bảo tự do ngôn luận không cho phép một công dân đùa giỡn la lối cháy nhà, cháy nhà trong một căn phòng đang có đông người hội họp. Anh ta rất xứng đáng bị trừng phạt.

     TCA#1 bảo đảm các quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí v.v. Dựa trên sự giải thích của thẩm phán Oliver W. Holmes, nếu ai nói nhà báo có toàn quyền muốn viết gì thì viết, muốn đăng gì thì đăng là lối nói lấy được. Tự do báo chí cũng có cái giới hạn của tự do báo chí. Ta có thể kể ra các hạn chế sau đây:

1.   Do Luật Pháp Qui Định – TCA#1 bảo đảm các quyền tự do tôn giáo, hội họp, báo chí v.v. nhưng người làm báo không thể dựa vào đó để phỉ bang, mạ lị người khác. Không được phép xâm phạm vào đời tư người khác. Không được phép tiết lộ bía mật quốc gia, an ninh quốc phòng v.v. Tóm lại, nhà báo không được phép đi quá giới hạn mà luật pháp quốc gia, tiểu bang, hay địa phương qui định trong khi hành nghề. Những hạn chế này đặt ra cốt để bảo đảm trật tự xã hội và an ninh của quốc gia.

2.   Nguyên Tắc Hỗ Tương Cam Kết – Đây là một thứ luật bất thành văn, nghĩa là chỉ dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau, hay một sự cam kết mặc nhiên giữa một bên là nguồn tin và một bên là người ký giả. Chẳng hạn trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, các ký giả thường được cho biết trước một thời gian ngắn nào đó ngày quân đội đồng minh mở cuộc tấn công. Hoặc trong chiến tranh VN, các ký giả Mỹ nhiều khi cũng được thuyết trình trước khi một cuộc hành quân bắt đầu khởi diễn. Đó là thứ tin tức tuyệt mật. Các phóng viên được yêu cầu giữ kín cho đến sau khi cuộc hành quân xẩy ra.

3.   Lương Tâm Nghề Nghiệp – Không thể viện dẫn TCA#1 để đăng hình một em bé gái trần truồng trên trang bìa của một tờ báo thiếu nhi. Lương tâm của người làm báo không cho phép họ làm chuyện đó. Lương Tâm nghề nghiệp là một phạm vi rất khó phân định ranh giới, nhất là trong nghề làm truyền thông. Nhà báo có lương tâm phải tự hạn chế bớt tự do của mình khi lẽ phải đòi hỏi. Theo tiêu chuẩn của nghề làm truyền thông Tây phương, người ký giả phải là người có khả năng, nghĩa là được huấn luyện đầy đủ và chu đáo. Để bảo đảm cho việc thông tin được trung thực, họ còn phải là người có lương tâm. Tuy nhiên, lý thuyết thì vậy, nhưng còn thực tế thì lại là chuyện khác. Báo chí HK vẫn được coi là một mẫu mực tuyệt hảo của một nền truyền thông tự do và trung thực mà qua đó, người dân HK được biết một cách đầy đủ mọi sự việc xẩy ra và mọi diễn biến trên khắp thế giới mà không sợ bị lừa gạt. Thật sự là một sai lầm lớn nếu chúng ta tin như thế. Chúng ta thấy rõ sự thật là trong chiến tranh VN, người dân HK đã bị báo chí của họ lừa gạt thê thảm như thế nào. Hầu như tất cả các báo chí Mỹ, kể cả đài phát thanh BBC của Anh Quốc lúc đó đều cố ý đưa tin sai lạc và tường thuật một cách thiên lệch về cuộc chiến với một dụng ý xấu. Ngày nay chúng ta đã biết rằng dụng ý đó là để hỗ trợ cho một âm mưu của một số chính quyền HK chủ trương triệt hạ cho bằng được chính phủ VNCH. Kết quả là những dối trá và những điều nói láo của cả một chiến dịch thông tin bất lương đã làm nghiêng cán cân quyết định cuộc chiến về cho phe CS Hanoi. Câu nói của Paul Joseph Goebbels, bộ trưởng tuyên truyền của Đức Quốc Xã áp dụng vào trường hợp này không còn gì đúng cho bằng: Nói láo một lần thì không ai tin, nhưng nói láo một triệu lần thì điều dối trá sẽ trở thành sự thật. Ai tin thì cứ tin. Bằng vào kinh nghiệm đau thương của dân tộc, người tỵ nạn VN dứt khoát không nên hoàn toàn tin tưởng vào tính trung thực và sự lương thiện của ngành truyền thông HK để khỏi bị lầm. Cái gì cũng cần phải tìm hiểu, phân tích rồi mới lượng định được. Một người bạn tôi thường đùa dỡn và châm biếm rằng các ông nhà báo Mỹ thường cất cái lương tâm của họ vào tủ sắt trước khi anh ta rời nhà để tới tòa soạn làm việc. Như thế thì chẳng bao giờ anh ta sợ bị đánh mất lương tâm được. Nếu cứ đem cái tiêu chuẩn trung thực của nền báo chí Mỹ ra làm thước đo để biện minh cho việc làm của mình thì e rằng có ngày mất cả chì lẫn chài.

     Nếu thực sự có lương tâm nghề nghiệp, người ký giả hẳn không nên biện giải hoặc đề cao những cuộc thiêu sống tập thể (holocaust) của Đức Quốc Xã trước một cộng đồng Do Thái. Nếu thực sự có lương tâm nghề nghiệp, người ký giả tỵ nạn không nên biện minh hoặc cho phép người khác biện minh về vụ VC thủ tiêu hoặc chôn sống đồng bào hàng loạt hồi tết Mậu Thân tại Huế trong cộng đồng tỵ nạn chúng ta như Viêt Weekly đã làm. Nếu chủ trương truyền thông trung thực thì tại sao VietWeekly không cho đăng hình cha Lý bị công an bịt miệng. Có nên nói rằng đó là lối tờ báo này kiểm duyệt thông tin? Vậy có chi khác với truyền thông CS? VietWeekly giải thích thế nào thì cũng không bịt miệng được tiếng nói lương tâm của chính mình. Tự nhiên khi không Viet Weekly moi ra một bài cũ rích từ diễn đàn điện tử Talawas đã hai năm rồi của một cán bộ CS ở trong nước chửi bới đủ thứ một chính thể đã chết, rồi bảo rằng mình làm truyền thông hai chiều. Vậy chứ còn chiều kia đâu không moi ra cho đủ cặp? Có ẩn ý gì đây? Liệu Viet Weekly có che giấu nổi ẩn ý này trước lương tâm nghề nghiệp của mình không? Những người trẻ làm thông tin trung thực và hai chiều là chuyện rất đáng khen, nhưng chỉ làm cho cộng đồng tỵ nạn thôi thì có gì là công bằng, chính đáng và thiết thực. Người Việt tỵ nạn ở hải ngoại thực tế không thiếu bất cứ một thứ thông tin nào, thừa mứa nữa là khác. Đồng bào trong nước mới là những người đói khát thông tin. Tại sao VietWeekly không gởi những tin tức và bài vở của người Việt hải ngoại về cho đồng bào trong nước đọc? Sợ VC không cho? Nếu đã thông tin hai chiều cho người Việt hải ngoại thì tai sao lại cúi mình chấp nhận thông tin một chiều ở trong nước? Đường lối truyền thông như thế mà dám tự hào là truyền thông trung thực và hai chiều sao? VietWeekly làm truyền thông kiểu này cho người tỵ nạn có lẽ xứng đáng được thẩm phán Oliver W. Holmes ra phán quyết như sau: Việc bảo đảm tự do ngôn luận không cho phép một nhà báo tỵ nạn CS trực tiếp hay gián tiếp tuyên truyền cho chế độ đã từng đàn áp và tước bỏ các quyền tự do của anh ta. Anh ta rất xứng đáng bị đuổi cổ về nước.

     Khi đã ý thức được bổn phận  và trách nhiệm đối với Dân Tộc thì tự nhiên người ký giả sẽ biết được mình nên làm gì và nên tránh những gì trong khi hành nghề. Không thiếu gì những kinh nghiệm xương máu và nước mắt trong vấn đề hành sử quyền tự do ngôn luận. Khi tên nhà báo Vũ Hạnh bị bắt vì tội viết lách tuyên truyền cho CS, báo chí Saigon nhao nhao lên phản đối. Lm Thanh Lãng dám nhân danh quyền tự do báo chí, lấy cái áo chùng thâm che chắn để đưa tên này ra khỏi khám Chí Hòa. Một chuyện cá nhân khác nữa cũng tại Saigon, một anh nhà báo lớn, Phạm Xuân Ẩn, chuyên kết giao với các tổng bộ trưởng, tướng tá, và những cây cổ thụ báo chí trong làng. Được cái dù tự do báo chí che chở, hắn ngày ngày ngồi phét lác ở nhà hàng Continental trên đường Tự Do, vừa nhâm nhi cà phê vừa gởi tin ra Rờ (R, trung ương cục miền Nam của CS). Sáng ngày 30-4-75, hắn hiện nguyên hình là một tên đại tá VC với dép râu nón cối. Ẩn đã núp kỹ dưới cái dù tự do ngôn luận để bán đứng miền Nam cho CS. Các tờ Tin Sáng, Điện Tín, Đại Dân Tộc với một lô các nhà báo trẻ tuổi tài cao cũng đã nhân danh quyền tự do ngôn luận để rước CS vô Saigon. Những câu chuyện về báo chí như thế thì rất nhiều dưới chế độ VNCH.

     Tình trạng này lại đang thấy xuất hiện trong các cộng đồng tỵ nạn của chúng ta. Người ta vẫn bài bản cũ dưới cái dù tự do ngôn luận. Chính sự lạm dụng tự do ngôn luận của một số người đã làm chúng ta mất nước. Bây giờ bọn báo chí bất lương được chỉ đạo bởi Nghị Quyết 36 của CS cũng đang âm mưu thôn tính các cộng đồng tỵ nạn của chúng ta dâng vào tay CS. Một ngàn năm giặc Tầu đô hộ, cha ông ta kiên trì chiến đấu hết thế hệ này qua thế hệ khác mà không kể là lâu. Một trăm năm nô lệ giặc Pháp, cha ông ta cũng đã kiên trì chiến đấu cũng vẫn không kể là lâu. 32 năm so sánh xem đã thấm vào đâu. Sao tuổi trẻ nóng lòng và chóng mất kiên nhẫn thế! Cha ông ta chống giặc, có kiếm dùng kiếm, có giáo dùng giáo, có gậy dùng gậy. Ngày nay người Việt tỵ nạn chúng ta chỉ còn thứ vũ khí là biểu tình, kiến nghị, vận động v.v. Tại sao các người trẻ VietWeekly lại bắt đồng bào của mình liệng những vũ khí này đi: “Đấu tranh không phải là hô hào đả đảo lỗ miệng …..” Ôi nhát giao oan nghiệt của tuổi trẻ chém xuống thân thể Mẹ VN! Với cái nhìn thiển cận của mình, người viết thực sự nghĩ rằng nếu không có các cuộc xuống đường biểu tình thì lá cờ máu của CS đã cắm tràn lan trong cộng đồng chúng ta rồi, và Nguyễn Minh Triết sang Mỹ đã có thể thong dong ra vào khu Phước-Lộc-Thọ như chỗ không người.

     Tự do ví như một căn nhà mở toang cửa. Trên đất nước tự do này, cánh cửa của căn nhà tự do càng mở rộng hơn. Chúng ta vô được thì CS cũng vô được. CS nó không phải lẻn vô mà nó vô một cách công khai và dễ dàng hơn người làm báo chống công nhiều, vì nó có nhiều tiền, và có khi còn có cả bùa hộ mạng của Mỹ nữa. Nếu nó mang dép râu, quấn khăn rằn, đội nón cối thì rất dễ nhận ra. Nhưng bây giờ nó cũng đã biết mặc đồ lớn, xách samsonite, và còn có thể cặp kè một anh Mẽo có bề thế nhởn nhơ đi vô làng báo một cách rất thoải mái nữa là khác. Biết đấy, nhưng ai dám chận lại đòi xem chứng minh nhân dân của nó. Làm thế nào mà điểm mặt nó đây? Chỉ còn cách dựa vào kinh nghiệm và trực giác mà thôi. Đòi bằng chứng thì xin chịu. Đem lương tâm, dân tộc, đất nước ra mà biện bạch liệu có tin nổi không? Nguyễn Cao Kỳ không phải là CS, hắn chỉ là một tên điếm đàng. Khi khom lưng đầu hàng bọn điếm CS, hắn cũng đưa chiêu bài tổ quốc tổ cò và dân tộc ra để lừa bịp. Từ ngày đem thân về làm tôi cho CS, hắn đã làm được gì cho Dân Tộc, cho đất nước? Mặt nạ nào rồi cũng rớt xuống để trơ cái mặt thịt ra cho người đời nguyền rủa.

     Báo chí HK thường ví nhà báo như người lính gác của công ích. Trong khi có những cơ quan truyền thông chăm lo phục vụ cộng đồng, thì cũng không thiếu cơ quan truyền thông khác lợi dụng quyền tự do báo chí để phục vụ cho tham vọng riêng tư. Sức mạnh của một cơ quan truyền thông là sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng, chứ không phải thu được nhiều quảng cáo. Như vậy đúng ra một tờ báo càng hăng say và tận tâm phục vụ lợi ích của cộng đồng bao nhiêu thì càng có nhiều độc giả bấy nhiêu mới phải. Nhưng thực tế thường xẩy ra khác hẳn. Thật đáng buồn khi có những tờ báo cố ý câu độc giả bằng cách tạo biến cố. Ông Vũ Bình Nghi của tờ Thời Báo ở San Jose trước đây đã xác nhận điều đó. Chính ông ta đã tiết lộ với ký giả của tờ San Jose Mercury News là mỗi khi ông gây chuyện trong cộng đồng thì tờ báo của ông lại tăng thêm trang. Người đọc có khi không thích tờ báo của ông, nhưng vẫn tìm nó để đọc vì tò mò. Tôi thực sự không muốn tin tờ VietWeekly bắt chước làm báo theo cung cách đó.

     “Đối với những người trẻ này (nhóm VietWeekly), cũng xin đừng khoe, đừng dậy họ thế nào là cộng sản, tại sao phải tranh đấu cho tự do và phải tranh đấu như thế nào.Tuy nhiên, vì là những người trẻ được huấn luyện trong không khí cởi mở đa dạng và dung nạp của Hoa Kỳ, họ không sợ hay thù ghét cộng sản theo cung cách cũ mòn, phản xạ của thế hệ trước.”

     Trích đoạn trên rút ra từ bài viết của tác giả Đông Duy trên số VietWeekly thượng dẫn, người viết muốn lấy nó làm gợi ý cho phần kết luận của bài này. Đọc trích đoạn trên người viết rút ra đựợc nhận xét là những người trẻ VietWeekly đã học đưọc rất nhiều từ nhà trường và xã hội Mỹ, học được cả tinh thần, cách suy nghĩ, và lối sống của lớp thanh niên, sinh viên  Mỹ hồi cuối thập niên 60 đầu 70; có tinh thần tự tin rất cao và có thể cả tự phụ nữa, rất xứng đáng được khen câu “hậu sinh khả úy”. Nền giáo dục Hoa Kỳ sản sinh được những con người tự tin, tài giỏi, tháo vát, và hào khí như thế mà không hiểu tại sao người Mỹ đi đến đâu cũng bị coi thường, khinh khi và xua đuổi. Đó là một sự thực hiển nhiên. Thiết nghĩ sự khác biệt giữa hai nền giáo dục Việt Mỹ có thể giải thích được hiện tượng này. Người VN trọng lễ nên bao giờ cũng tiên học lễ đã, rồi mới hậu học văn. Người Mỹ trái lại họ lấy đồng dollar làm quí nên trước sau và tiên hậu gì cũng chỉ có học cách làm tiền mà thiếu mất hẳn phần học lễ giáo. Việc học làm người rất khác với việc học làm tiền. Có người nói nước Mỹ thừa văn minh nhưng thiếu văn hóa là vì vậy. Một thắc mắc nữa đáng nêu lên để mà học hỏi là nước Mỹ hùng mạnh và tài giỏi như rứa mà sao lại phải thất bại tại Việt Nam, và hiện nay đang bị sa lầy tại Irak, không tìm được lối thoát? Còn những thất bại nào khác nữa bạn đọc nào biết xin cứ tự ý thêm vào và cũng xin tự tìm lấy giải đáp. Người viết xin chân thành cám ơn.

Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất

1 nhận xét:

  1. Việt cộng thôn tính miền Nam? Ngớ ngẩn và khùng điên!
    Miền Nam là của người Việt Nam, không cứ Nam hay Bắc.
    Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói:
    Nước Việt Nam là một
    Dân tộc Việt Nam là một.
    Sông có thể cạn
    Núi có thể mòn
    Nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi.
    Vậy mà tác giả bài này phát biểu lạc lõng, bất chấp lịch sử, bất chấp sự thật!
    Đúng là, họ thất bại vì không có chính nghĩa!

    Trả lờiXóa